Lĩnh vực kinh doanh là gì? Những điều cần biết về kinh doanh

Lĩnh vực kinh doanh là phạm vi hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp lựa chọn để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm sinh lợi. Đây là yếu tố định hướng ngành nghề, mô hình vận hành và chịu sự quản lý pháp lý tương ứng.

Lĩnh vực kinh doanh là gì? Những điều cần biết về kinh doanh

NỘI DUNG


Giới thiệu

Khi bắt đầu một hoạt động sản xuất – kinh doanh, việc hiểu đúng lĩnh vực kinh doanh là gì đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định hướng đi, đăng ký ngành nghề và đảm bảo tuân thủ pháp luật. Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đều phải xác định rõ lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh phù hợp để được cấp phép hoạt động hợp pháp. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ các khái niệm, phân loại lĩnh vực – ngành nghề, mô hình kinh doanh phổ biến, cùng các quy định pháp lý liên quan như ngành nghề có điều kiện, giới hạn vốn, thủ tục đăng ký và các nghĩa vụ thuế cần biết. Ngoài ra, bài viết cũng phân tích các cơ hội – thách thức thời đại số, giúp bạn chuẩn bị kỹ trước khi bắt đầu hành trình kinh doanh.

1. Khái niệm lĩnh vực kinh doanh là gì?

1.1 Kinh doanh là gì?

Theo Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, định nghĩa về kinh doanh:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
21. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Như vậy, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, hoặc nhiều hoạt động bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lời, bao gồm hoạt động của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp.

1.2 Lĩnh vực kinh doanh là gì?

Lĩnh vực kinh doanh là phạm vi hoạt động sản xuất, dịch vụ hoặc thương mại mà cá nhân, tổ chức lựa chọn để tạo ra lợi nhuận. Theo Luật Doanh nghiệp, lĩnh vực này được xác định dựa trên ngành nghề đăng ký kinh doanh, phù hợp với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Mỗi lĩnh vực có thể bao gồm nhiều ngành nghề cụ thể như:
  • Dịch vụ: tư vấn, vận tải, kế toán
  • Sản xuất: may mặc, thực phẩm, thiết bị điện
  • Công nghệ số: phần mềm, thương mại điện tử, AI
Doanh nghiệp được đăng ký nhiều ngành nghề ở cùng hoặc khác lĩnh vực, miễn không vi phạm quy định pháp luật.

2. Các lĩnh vực kinh doanh phổ biến

2.1. Kinh doanh dịch vụ

Đây là lĩnh vực không tạo ra sản phẩm vật lý, nhưng cung cấp giá trị thông qua hoạt động hỗ trợ hoặc phục vụ khách hàng. Ví dụ:
  • Mở trung tâm tiếng Anh như VUS là kinh doanh dịch vụ giáo dục.
  • Mở công ty tổ chức tour du lịch như Saigontourist là kinh doanh dịch vụ du lịch.
  • Mở quán cà phê theo mô hình chuỗi như Highlands Coffee là kinh doanh dịch vụ ăn uống.

2.2. Kinh doanh sản xuất

Là hoạt động tạo ra sản phẩm cụ thể bằng máy móc, nguyên vật liệu hoặc lao động. Ví dụ:
  • Công ty May 10 sản xuất quần áo để bán cho các siêu thị.
  • Doanh nghiệp làm đèn trang trí như Đèn Rồng Đài Quang là đang sản xuất hàng hóa.
  • Sơn TOA sản xuất các loại sơn dùng trong xây dựng nhà ở và công trình.

2.3. Kinh doanh bán lẻ

Bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng thông qua cửa hàng, siêu thị hoặc đại lý. Ví dụ:
  • Mở cửa hàng tiện lợi như Circle K là kinh doanh bán lẻ.
  • Mở siêu thị nhỏ bán rau củ như Bách Hóa Xanh cũng là bán lẻ.
  • Cửa hàng điện thoại như FPT Shop bán trực tiếp cho khách là bán lẻ sản phẩm điện tử.

2.4. Kinh doanh online

Là bán sản phẩm hoặc dịch vụ qua mạng internet thay vì cửa hàng truyền thống. Ví dụ:
  • Coolmate bán áo thun nam qua website riêng là mô hình kinh doanh online.
  • Tiki bán sách, đồ gia dụng qua sàn thương mại điện tử.
  • Một bạn trẻ bán mỹ phẩm qua Shopee hoặc livestream Facebook cũng là đang kinh doanh online.

3. Các mô hình kinh doanh phổ biến

Các mô hình kinh doanh phổ biến - Lĩnh vực kinh doanh
Các mô hình kinh doanh phổ biến - Lĩnh vực kinh doanh
Mô hình kinh doanh thể hiện cách một doanh nghiệp tổ chức hoạt động và tiếp cận khách hàng. Dưới đây là 4 mô hình phổ biến hiện nay:

3.1. B2B – Business to Business

Là hình thức kinh doanh giữa hai doanh nghiệp. Ví dụ:
  • Vinamilk bán sữa nguyên liệu cho các công ty chế biến thực phẩm khác.
  • FPT Software cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tập đoàn lớn.

3.2. B2C – Business to Consumer

Là hình thức doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Ví dụ:
  • Thế Giới Di Động bán điện thoại trực tiếp cho người mua cá nhân.
  • Kichi-Kichi phục vụ buffet lẩu cho khách hàng cá nhân tại nhà hàng.

3.3. C2C – Consumer to Consumer

Là mô hình cá nhân bán sản phẩm cho cá nhân khác qua nền tảng trung gian. Ví dụ:
  • Người dùng rao bán đồ cũ trên Shopee, Chợ Tốt hoặc Facebook Marketplace.

3.4. B2B2C – Business to Business to Consumer

Là mô hình kết hợp: doanh nghiệp bán hàng cho một doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp đó phân phối lại đến người tiêu dùng. Ví dụ:
  • Masan sản xuất thực phẩm, bán cho Winmart. Winmart sau đó bán cho người tiêu dùng tại các cửa hàng.

4. Ngành nghề kinh doanh là gì?

4.1 Ngành nghề kinh doanh là gì?

Ngành nghề kinh doanh là lĩnh vực cụ thể mà cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký để hoạt động hợp pháp, theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Mỗi ngành có mã số riêng, kèm theo điều kiện như giấy phép, vốn pháp định hoặc giới hạn hoạt động tùy theo quy định pháp luật.

4.2 Phân loại ngành nghề kinh doanh theo quy định

4.2.1 Ngành nghề cần giấy phép

Ngành nghề cần giấy phép là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý như giấy phép con, chứng chỉ hành nghề, hoặc điều kiện chuyên môn nhất định. Ví dụ:
  • Dịch vụ kế toán: cần có chứng chỉ kế toán viên và đăng ký hành nghề theo quy định.
  • Xây dựng: một số loại công trình yêu cầu chứng chỉ năng lực và chứng chỉ hành nghề cá nhân.
  • Du lịch: cần giấy phép lữ hành nội địa hoặc quốc tế tùy loại hình.
  • Dịch vụ vận tải: phải đăng ký kinh doanh vận tải và xin giấy phép từ Sở Giao thông Vận tải.
Việc thiếu giấy phép trong các ngành này có thể dẫn đến bị đình chỉ hoạt động hoặc xử phạt hành chính.

4.2.2 Ngành nghề bị cấm

Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020, quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh:
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép kinh doanh các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh và đạo đức xã hội như: ma túy, vũ khí, động vật hoang dã quý hiếm, mại dâm, mua bán người, pháo nổ, đòi nợ thuê, sinh sản vô tính trên người.

4.2.3 Ngành nghề giới hạn vốn

Ngành nghề giới hạn vốn là những ngành bắt buộc doanh nghiệp phải có mức vốn pháp định tối thiểu khi đăng ký kinh doanh, nhằm đảm bảo năng lực tài chính và an toàn cho xã hội, khách hàng.
Một số ví dụ ngành nghề yêu cầu vốn pháp định:
  • Kinh doanh bất động sản: Yêu cầu vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng.
  • Ngành tài chính, ngân hàng: Theo Nghị định 86/2019/NĐ-CP, Khoản 1, mức vốn pháp định của ngân hàng thương mại được quy định là 3.000 tỷ đồng
  • Kinh doanh vận tải hàng không: Theo Điều 8 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, mức vốn pháp đinh cho 1 đơn vị kinh doanh vận tải có 10 tàu bay là từ 300 đến 700 tỷ đồng tuỳ thuộc vào các tuyến hàng không khai thác.

5. Thủ tục đăng ký kinh doanh

5.1 Soạn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu của Sở Kế hoạch & Đầu tư).
  • Điều lệ công ty có chữ ký của chủ sở hữu hoặc các thành viên góp vốn.
  • Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên).
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của các thành viên hoặc chủ sở hữu.
  • Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho cá nhân/tổ chức nộp hồ sơ).

5.2 Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

  • Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia hoặc trực tiếp tại Sở Kế hoạch & Đầu tư.
  • Thời gian xử lý: 3 - 5 ngày làm việc.
  • Nhận Giấy phép kinh doanh (GPKD) bản trắng (không còn bản màu như trước).
  • Kiểm tra thông tin công ty trên Cổng thông tin doanh nghiệp.

5.3 Các thủ tục sau khi thành lập công ty

  • Treo bảng hiệu công ty (trong 10 ngày) – Tránh bị xử phạt, xác minh địa chỉ hợp pháp.
  • Mở tài khoản ngân hàng – Dùng để nộp thuế, nhận thanh toán, chi trả lương.
  • Đăng ký chữ ký số & tài khoản thuế điện tử – Bắt buộc để kê khai và nộp thuế online.
  • Đăng ký hóa đơn điện tử – Chọn nhà cung cấp, nộp tờ khai, chờ cơ quan thuế duyệt.
  • Kê khai thuế ban đầu – Kích hoạt mã số thuế, hoàn thành nghĩa vụ thuế.
  • Góp vốn theo cam kết (trong 90 ngày) – Nếu không góp đúng hạn, phải thay đổi vốn điều lệ.
  • Đăng ký lao động & bảo hiểm (nếu có nhân sự) – Khai báo lao động, ký hợp đồng, đăng ký BHXH, BHYT, BHTN.

6. Các loại thuế cần biết khi kinh doanh

Khi bắt đầu kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh thường phải nộp các loại thuế sau:
  • Lệ phí môn bài: Nộp hàng năm, dựa vào vốn điều lệ hoặc doanh thu. Mức phổ biến từ 500.000 đến 3.000.000 đồng/năm.
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Áp dụng với hầu hết sản phẩm, dịch vụ. Mức phổ biến là 10%.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Tính trên phần lợi nhuận sau khi trừ chi phí. Mức phổ biến là 20%.
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Áp dụng nếu bạn là cá nhân kinh doanh hoặc có nhân viên.
  • Thuế nhà thầu (nếu có): Dành cho các dịch vụ từ nước ngoài như quảng cáo Facebook, Google...
  • Thuế xuất nhập khẩu: Áp dụng khi bạn có hoạt động liên quan đến nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa.

7. Những hành vi bị cấm khi kinh doanh

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
2. Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự, trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
3. Cho mượn, cho thuê, mua, bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
4. Làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
5. Sử dụng dịch vụ bảo vệ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Hoạt động dịch vụ bảo vệ có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm mục đích đe dọa, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
7. Tiến hành đòi nợ khi chưa có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ; chưa có văn bản thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ trước khi thực hiện đòi nợ.
8. Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn để không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trái với quy định của Nghị định này; cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Vậy doanh nghiệp và cá nhân tuyệt đối không được thực hiện các hành vi sau khi kinh doanh ngành nghề có điều kiện:
  • Kinh doanh khi chưa được cấp hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
  • Cho thuê, mượn, mua bán, làm giả hoặc tẩy xóa giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
  • Lợi dụng kinh doanh để thực hiện hành vi trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, hoặc xâm hại an ninh, trật tự xã hội.
  • Sử dụng dịch vụ bảo vệ để đe dọa, gây áp lực hoặc xâm phạm quyền lợi tổ chức, cá nhân.
  • Đòi nợ thuê khi chưa có hợp đồng ủy quyền hợp pháp hoặc không thông báo trước cho cơ quan công an địa phương.
  • Cản trở việc kiểm tra, thanh tra từ cơ quan chức năng.
  • Lợi dụng chức vụ để cấp sai giấy chứng nhận hoặc bao che vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Những hành vi này đều bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

8. Những điều cần lưu ý khi kinh doanh

Những điều cần lưu ý khi kinh doanh - Lĩnh vực kinh doanh là gì
Những điều cần lưu ý khi kinh doanh - Lĩnh vực kinh doanh là gì

8.1 Đăng ký đúng ngành nghề

Trước khi hoạt động, doanh nghiệp cần đăng ký ngành nghề phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Một số ngành cần giấy phép riêng, nếu không đăng ký đúng có thể bị xử phạt hoặc không được cấp mã ngành.

8.2 Kê khai thuế đầy đủ và đúng hạn

Doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN... theo quy định. Việc nộp chậm hoặc sai có thể bị phạt từ 2 đến 25 triệu đồng tùy mức độ.

8.3 Ký hợp đồng và xuất hóa đơn đúng quy định

Mọi giao dịch với khách hàng hoặc đối tác cần có hợp đồng rõ ràng và hóa đơn hợp pháp để đảm bảo tính minh bạch và được công nhận khi quyết toán thuế.

8.4 Chọn mô hình kinh doanh phù hợp

Tùy vào mục tiêu và quy mô doanh nghiệp có thể chọn hộ kinh doanh, công ty TNHH, công ty cổ phần… Việc chọn sai mô hình có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ pháp lý, thuế và khả năng huy động vốn sau này.

9. Những thách thức và cơ hội khi kinh doanh trong thời đại 4.0

9.1 Thách thức khi khởi sự kinh doanh

  • Cạnh tranh khốc liệt: Thời đại số giúp việc mở doanh nghiệp dễ hơn, nhưng điều đó cũng kéo theo hàng ngàn đối thủ xuất hiện mỗi ngày. Ví dụ, ngành cà phê chuỗi như Phúc Long, The Coffee House phải cạnh tranh gay gắt không chỉ với nhau mà còn với các startup mới như Katinat, Cheese Coffee.
  • Thiếu kinh nghiệm quản trị: Nhiều startup trẻ có ý tưởng nhưng thiếu kỹ năng về quản lý tài chính, nhân sự, vận hành dẫn đến “đốt tiền” mà không đạt hiệu quả. Ví dụ: Một số thương hiệu thời trang nội địa phát triển quá nhanh giai đoạn 2020–2021 nhưng rơi vào khủng hoảng khi chi phí vận hành vượt kiểm soát.
  • Thiếu vốn và khó tiếp cận khách hàng: Ngân sách marketing hạn hẹp khiến doanh nghiệp khó nổi bật. Ví dụ: Các startup nhỏ khi chạy quảng cáo trên Facebook dễ bị “ngợp” khi chi phí CPM tăng mạnh, nhưng hiệu quả đơn hàng lại thấp vì không tối ưu được nội dung hoặc nhắm sai tệp khách hàng.

9.2 Cơ hội cho doanh nghiệp trong thời đại số

  • Dễ khởi nghiệp online với chi phí thấp: Bạn có thể bắt đầu kinh doanh ngay từ Facebook, Shopee, TikTok với chi phí gần như bằng 0. Ví dụ: Coolmate khởi đầu từ một website bán áo thun nam cơ bản, nhờ định vị đúng thị trường ngách đã trở thành thương hiệu thời trang nam nổi bật.
  • Nhu cầu tiêu dùng đa dạng, nhiều ngách thị trường mới: Người tiêu dùng ngày càng cá nhân hóa nhu cầu. Ví dụ: Sự bùng nổ của sản phẩm thực phẩm sạch, eat-clean, mỹ phẩm thuần chay mở ra cơ hội cho các thương hiệu nhỏ lẻ tham gia thị trường.
  • Tiếp cận công nghệ số dễ dàng hơn: Hàng loạt nền tảng hỗ trợ miễn phí hoặc giá rẻ như Canva (thiết kế), MISA (kế toán), Sapo (quản lý bán hàng) giúp doanh nghiệp nhỏ vận hành hiệu quả ngay từ đầu.

9.3 Xu thế AI ảnh hưởng đến kinh doanh

  • AI giúp tối ưu hóa vận hành, marketing, dự báo nhu cầu: Các công cụ AI có thể tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng, dự đoán hành vi tiêu dùng và hỗ trợ cá nhân hóa chiến dịch quảng cáo. Ví dụ: Tiki dùng AI để gợi ý sản phẩm theo hành vi mua hàng, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và giá trị đơn hàng trung bình.
  • Doanh nghiệp ứng dụng AI sớm sẽ có lợi thế: Các công ty bắt đầu tích hợp AI vào quy trình quản lý kho, bán hàng, chatbot... sẽ tiết kiệm chi phí và phản ứng nhanh với thị trường. Ví dụ: GHTK (Giao hàng tiết kiệm) sử dụng AI để tối ưu lộ trình giao hàng theo thời gian thực, giảm đáng kể chi phí vận hành so với phương pháp thủ công.

Kết luận

Hiểu rõ lĩnh vực kinh doanh, lựa chọn ngành nghề phù hợp và nắm vững các quy định pháp lý là bước khởi đầu cần thiết cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào muốn kinh doanh bền vững. Việc nắm chắc mô hình hoạt động, biết cách chuẩn bị hồ sơ, đăng ký kinh doanh đúng ngành và tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế sẽ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro, tăng uy tín và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, người kinh doanh cần tận dụng công nghệ, hiểu rõ xu thế thị trường và thích nghi linh hoạt để tạo lợi thế cạnh tranh. Hãy liên hệ thành lập công ty giá rẻ ngay để được hỗ trợ nhé.

Tác giả: Tuyết Nhung

Viết bình luận

Tối đa: 1500 ký tự

Bình luận (0)