Lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp nhất của doanh nghiệp mới

Lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp nhất ở doanh nghiệp mới là thiếu vốn hoặc kinh doanh không hiệu quả. Nhiều công ty khởi nghiệp tạm ngừng để tái cấu trúc tài chính, điều chỉnh chiến lược, hoặc chờ thị trường ổn định trước khi tiếp tục hoạt động.

Lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp nhất của doanh nghiệp mới

NỘI DUNG

Giới thiệu

Tạm ngừng kinh doanh là một quyết định phổ biến ở các doanh nghiệp mới thành lập, đặc biệt trong giai đoạn đầu hoạt động khi gặp khó khăn về vốn, thị trường hoặc pháp lý. Việc hiểu rõ lý do tạm ngừng kinh doanh, điều kiện pháp lý và thủ tục thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp chủ động quản lý rủi ro, tránh vi phạm quy định, đồng thời sẵn sàng tái khởi động khi thị trường ổn định hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin toàn diện về các lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp nhất, điều kiện pháp luật, thủ tục hành chính theo từng nhóm nguyên nhân và giải đáp các câu hỏi thực tế từ doanh nghiệp.

1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp chủ động dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định nhưng vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân và có thể quay lại hoạt động sau đó. Đây là tình trạng pháp lý được ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Điều 41. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp
Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
“Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo

2. Những lý do tạm ngừng kinh doanh phổ biến nhất đối với doanh nghiệp mới

Những lý do tạm ngừng kinh doanh phổ biến nhất đối với doanh nghiệp mới
Trong giai đoạn đầu hoạt động, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn khiến họ buộc phải tạm ngừng kinh doanh. Dưới đây là những lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp nhất:

2.1. Thiếu vốn hoặc cạn dòng tiền

Khó khăn về tài chính là nguyên nhân hàng đầu khiến doanh nghiệp tạm ngừng. Thiếu vốn để duy trì hoạt động, chi trả lương hoặc chi phí vận hành là tình trạng phổ biến trong 6–12 tháng đầu.

2.2. Kinh doanh không hiệu quả

Sản phẩm chưa phù hợp thị trường, thiếu khách hàng, sai chiến lược marketing hoặc mô hình kinh doanh không khả thi đều khiến doanh nghiệp phải tạm dừng để điều chỉnh.

2.3. Thiếu nhân sự hoặc năng lực quản lý

Doanh nghiệp mới thường thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa xây dựng được đội ngũ đủ mạnh nên gặp khủng hoảng vận hành, dẫn đến việc phải “nghỉ giữa hiệp” để sắp xếp lại.

2.4. Chuyển hướng hoặc thay đổi mô hình kinh doanh

Sau khi thử nghiệm, một số founder nhận thấy mô hình hiện tại không phù hợp và cần tạm ngừng để xây dựng chiến lược mới, chuyển ngành hoặc cơ cấu lại bộ máy.

2.5. Vướng mắc pháp lý hoặc thủ tục hành chính

Không đáp ứng điều kiện pháp luật, bị chậm cấp giấy phép con hoặc bị xử phạt hành chính cũng là lý do khiến doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động tạm thời.

3. Điều kiện để tạm ngừng kinh doanh theo pháp luật là gì?

Các điều kiện để tạm ngừng kinh doanh theo pháp luật

3.1. Phải thông báo trước cho cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tạm ngừng.
Điều 206. Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh
1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

3.2. Không đang bị cưỡng chế hoặc xử lý vi phạm

Doanh nghiệp không được tạm ngừng kinh doanh nếu đang trong thời gian bị cưỡng chế thuế, bị đình chỉ hoạt động hoặc xử lý vi phạm hành chính chưa hoàn tất.

3.3. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế trước khi tạm ngừng

Trước khi chính thức tạm ngừng, doanh nghiệp cần hoàn tất các nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đến thời điểm dừng hoạt động.
  • Nộp đầy đủ báo cáo thuế còn tồn đọng.
  • Đóng các khoản thuế chưa thanh toán để tránh phát sinh tiền phạt chậm nộp.

3.4. Thanh toán các khoản nợ

  • Xử lý các khoản vay ngân hàng, công ty tài chính.
  • Thanh toán công nợ với đối tác, nhà cung cấp.
  • Đảm bảo chi trả đầy đủ lương, bảo hiểm cho nhân viên.

3.5. Thời gian tạm ngừng không quá 1 năm/lần

Theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn tạm ngừng kinh doanh mỗi lần thông báo không quá 12 tháng và có thể gia hạn nếu tiếp tục có nhu cầu.
Điều 66. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Hiện tại, pháp luật không quy định về giới hạn số lần được đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đăng ký tạm ngừng theo đúng quy định pháp luật.

4. Phân biệt sự khác nhau giữa tạm ngừng kinh doanh, giải thể và phá sản

Tiêu chíTạm ngừng kinh doanhGiải thể doanh nghiệpPhá sản doanh nghiệp
Khái niệmTình trạng pháp lý khi doanh nghiệp ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định nhưng vẫn còn tồn tại pháp nhân.Là việc doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động, thanh lý tài sản và chấm dứt tư cách pháp nhân theo quy định.Là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Tư cách pháp nhânCòn tồn tạiChấm dứtChấm dứt
Mục đíchTạm dừng để cơ cấu lại hoạt động, tài chính, chiến lượcChủ động chấm dứt hoạt động khi không còn nhu cầu hoặc không thể tiếp tục kinh doanhDo không có khả năng thanh toán nợ đến hạn
Chủ thể quyết địnhDoanh nghiệp tự quyết địnhDoanh nghiệp, hoặc bị bắt buộc trong một số trường hợp nhất địnhCó thể là doanh nghiệp hoặc chủ nợ yêu cầu, do Tòa án quyết định
Cơ quan có thẩm quyềnPhòng Đăng ký kinh doanhPhòng Đăng ký kinh doanh + Cơ quan thuế + Cơ quan quản lý chuyên ngành (nếu có)Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự
Trình tự thủ tụcThông báo trước 3 ngày làm việc cho Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuếNộp hồ sơ giải thể, thanh toán nợ, chốt thuế, trả con dấu, đóng mã số thuếNộp đơn yêu cầu phá sản, Tòa án thụ lý, chỉ định quản tài viên, xét xử và ra quyết định tuyên bố phá sản
Khả năng hoạt động trở lạiCó – sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc đăng ký tiếp tục kinh doanhKhôngKhông
Nghĩa vụ tài chínhPhải hoàn thành nghĩa vụ trước thời điểm tạm ngừng. Không phát sinh thuế trong thời gian tạm ngừng.Phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính trước khi giải thểTài sản doanh nghiệp được chia theo thứ tự ưu tiên, có thể không trả hết được nợ
Hệ quả pháp lýDoanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên hệ thống pháp lýDoanh nghiệp bị xóa tên khỏi hệ thống đăng ký kinh doanh, không còn tồn tại pháp nhânDoanh nghiệp mất toàn bộ tài sản, bị xóa tên khỏi hệ thống đăng ký và chịu hậu quả pháp lý từ phán quyết Tòa
Thời gian thực hiệnTối đa 1 năm/lần, có thể gia hạnTừ vài tuần đến vài tháng, tùy theo hồ sơ và nghĩa vụ tài chínhCó thể kéo dài, phụ thuộc vào quá trình xử lý của Tòa án và thi hành án

5. Thủ tục pháp lý theo từng loại lý do tạm ngừng kinh doanh

Những lý do tạm ngừng kinh doanh phổ biến nhất đối với doanh nghiệp mới
Tùy vào lý do tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể theo 3 nhóm lý do phổ biến:

5.1. Nhóm 1: Lý do tài chính, vận hành (thiếu vốn, kinh doanh không hiệu quả)

Đây là nhóm lý do phổ biến nhất ở các doanh nghiệp mới khởi nghiệp khi gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng.

5.1.1. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh (Mẫu Phụ lục II-21 – Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
  • Quyết định và Biên bản họp của:
    • Chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân)
    • Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
    • Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần)
  • Giấy ủy quyền đối với TH người nộp hồ sơ không phải người đại diện
  • CCCD/CMND của người nộp hồ sơ

5.1.2. Thủ tục thực hiện:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
  • Gửi thông báo tạm ngừng đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp
  • Đảm bảo không phát sinh hóa đơn, giao dịch tài chính trong thời gian tạm ngừng

5.2. Nhóm 2: Lý do pháp lý, thủ tục hành chính

Áp dụng cho các trường hợp doanh nghiệp bị vướng vào các vấn đề pháp lý như: bị xử phạt hành chính, chậm bổ sung giấy phép con, hoặc không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động.

5.2.1. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Hồ sơ tạm ngừng thông thường như nhóm 1
  • Bổ sung thêm các tài liệu pháp lý liên quan, ví dụ:
    • Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
    • Công văn yêu cầu hoàn thiện giấy phép ngành nghề có điều kiện
    • Biên bản làm việc với cơ quan chức năng

5.2.2. Thủ tục thực hiện:

  • Doanh nghiệp có thể bị yêu cầu giải trình hoặc bổ sung hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành
  • Cần xử lý triệt để các vi phạm hoặc hoàn thiện điều kiện trước khi tiếp tục hoạt động sau thời gian tạm ngừng

5.3. Nhóm 3: Thay đổi mô hình, chuyển hướng kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động nhận thấy cần điều chỉnh mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi loại hình, ngành nghề để phù hợp với thực tế thị trường.

5.3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Hồ sơ tạm ngừng như nhóm 1
  • Sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng, cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp (nếu có), gồm:
    • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
    • Biên bản họp và quyết định thay đổi ngành nghề/tên công ty/địa chỉ...

5.3.2. Thủ tục thực hiện:

  • Sau thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đúng quy định
  • Trường hợp thay đổi ngành nghề có điều kiện, phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định chuyên ngành trước khi tiếp tục hoạt động

6. Những câu hỏi thường gặp

6.1. Tạm ngừng kinh doanh có phải đóng thuế không?

Không bắt buộc, nếu doanh nghiệp thực hiện đúng thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo quy định.
Cụ thể:
  • Trong thời gian tạm ngừng hợp lệ (đã thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế), doanh nghiệp sẽ:
    • Không phải nộp thuế môn bài
    • Không cần kê khai thuế GTGT, TNDN, TNCN... nếu không phát sinh hoạt động kinh doanh
  • Tuy nhiên, trước khi tạm ngừng, doanh nghiệp phải:
    • Hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế còn tồn đọng
    • Nộp báo cáo thuế và quyết toán đến thời điểm tạm ngừng (nếu có phát sinh)

6.2. Có thể tạm ngừng kinh doanh bao nhiêu lần?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, không giới hạn số lần tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi lần tạm ngừng không được quá 01 năm. Nếu doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau thời gian này, có thể tiếp tục gia hạn bằng cách nộp lại thông báo tạm ngừng trước khi thời hạn cũ kết thúc.
Ví dụ: Doanh nghiệp A tạm ngừng từ ngày 01/06/2024 đến 31/05/2025. Trước ngày 31/05/2025, nếu vẫn chưa thể hoạt động lại, doanh nghiệp có thể làm thủ tục gia hạn thêm 1 năm nữa.

6.3. Trong thời gian tạm ngừng, có được thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh không?

Không được.
Theo quy định hiện hành, trong thời gian doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
  • Thay đổi tên công ty
  • Thay đổi địa chỉ trụ sở
  • Thay đổi ngành nghề kinh doanh
  • Thay đổi người đại diện theo pháp luật
  • Thay đổi vốn điều lệ, thành viên/cổ đông...
Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi thông tin, cần thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động trở lại, sau đó mới nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo đúng trình tự pháp luật.

6.4. Tạm ngừng kinh doanh nhưng vẫn có hợp đồng tồn đọng thì xử lý sao?

Việc tạm ngừng kinh doanh không đồng nghĩa với việc chấm dứt nghĩa vụ hợp đồng. Nếu doanh nghiệp đang có hợp đồng còn hiệu lực hoặc nghĩa vụ chưa hoàn thành, thì vẫn phải tiếp tục thực hiện các cam kết đã ký, trừ khi:
  • Các bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hoặc
  • Có điều khoản trong hợp đồng cho phép tạm dừng, hoãn thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động
Tạm ngừng kinh doanh là một quyết định chiến lược trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt với các công ty mới khởi nghiệp. Việc hiểu rõ lý do tạm ngừng kinh doanh, điều kiện pháp lý và thực hiện đúng thủ tục sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và sẵn sàng quay lại thị trường khi cần thiết.
Tác giả: Tuyết Nhung

Viết bình luận

Tối đa: 1500 ký tự

Bình luận (0)