Trong bộ máy hành chính nhà nước, thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc thực thi quyền hành pháp. Việc hiểu đúng "thủ tục hành chính là gì?" sẽ giúc cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ và thực hiện đúng quy trình, tránh sai sót khi làm việc với cơ quan nhà nước.
1. Thủ tục hành chính là gì?
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.
Nói cách khác, thủ tục hành chính là tập hợp các bước pháp lý bắt buộc mà cá nhân, tổ chức phải thực hiện khi có nhu cầu giải quyết một vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước. Ví dụ:
Đăng ký kinh doanh: Doanh nghiệp muốn thành lập phải chuẩn bị hồ sơ, nộp tại Sở Tài Chính, chờ xét duyệt và nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cấp căn cước công dân: Công dân chuẩn bị giấy tờ, đến cơ quan công an, thực hiện các bước lấy dấu vân tay, chụp ảnh, nhận giấy hẹn và sau đó nhận thẻ căn cước.
Với
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, khái niệm thủ tục hành chính được làm rõ hơn trong Điều 223, bao gồm các thủ tục về đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận và các quyền của người sử dụng đất.
Điều 223. Các thủ tục hành chính về đất đai
1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất;
b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;
c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp;
d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất;
đ) Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất;
e) Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
g) Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính;
h) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
i) Thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai;
k) Thủ tục hành chính khác về đất đai.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
2. Đặc điểm của thủ tục hành chính
2.1 Mang tính pháp lý, bắt buộc theo quy định
Thủ tục hành chính là quy trình bắt buộc được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc không tuân thủ đúng trình tự có thể dẫn đến chế tài xử phạt. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2024, hành vi vi phạm quy định về thủ tục có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
2.2 Thực hiện giữa cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước
Thủ tục hành chính luôn có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là mối quan hệ một chiều về quyền lực hành chính, trong đó công dân, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện theo quy định và hướng dẫn của cơ quan nhà nước.
2.3 Có trình tự, biểu mẫu và thời hạn rõ ràng
Theo Điều 224 Luật Đất đai 2024, nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính phải:
Điều 224. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
1. Bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
2. Bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách thủ tục hành chính.
3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp.
4. Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
5. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
Bảo đảm bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch
Có sự phối hợp kịp thời, chính xác giữa các cơ quan liên quan
Đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và tiết kiệm thời gian, chi phí
Ngoài ra, mỗi thủ tục hành chính đều đi kèm với bộ hồ sơ chuẩn, biểu mẫu thống nhất và thời hạn xử lý cụ thể. Ví dụ: đối với thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, theo Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Mục đích và vai trò của thủ tục hành chính
Mục đích và vai trò của thủ tục hành chính
Đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quản lý nhà nước: Thủ tục hành chính tạo ra khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch và thống nhất, giúp mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận bình đẳng với quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định. Điều này góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức: Thủ tục hành chính là phương tiện xác lập và bảo vệ các quyền hợp pháp như quyền sở hữu tài sản, quyền kinh doanh, quyền tiếp cận dịch vụ công… Ví dụ: Thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất là điều kiện pháp lý để cá nhân được Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất.
Nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công: Thủ tục hành chính chuẩn hóa giúp cơ quan nhà nước vận hành hiệu quả, giảm trùng lắp, nhũng nhiễu và lãng phí. Việc quy định rõ ràng quy trình, biểu mẫu, thời hạn xử lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm giải trình trong bộ máy công quyền.
Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và môi trường đầu tư: Một hệ thống thủ tục hành chính hiệu quả là nền tảng cho môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh. Việc cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm rủi ro pháp lý, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Làm nền tảng cho chuyển đổi số và hiện đại hóa quản trị công: Trong xu thế Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia, thủ tục hành chính là đối tượng cốt lõi được số hóa nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, minh bạch và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
4. Các hình thức công khai thủ tục hành chính
Điều 17. Hình thức công khai
Ngoài hình thức công khai bắt buộc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, việc công khai thủ tục hành chính có thể thực hiện theo một hoặc các hình thức sau đây:
1. Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
2. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Các hình thức khác.
Theo quy định pháp luật, mọi thủ tục hành chính sau khi được người có thẩm quyền công bố phải được công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời để đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận và dễ sử dụng cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể bao gồm các hình thức sau:
4.1 Công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính
Tất cả thủ tục hành chính bắt buộc phải được đăng tải chính thức tại
Cổng dịch vụ công, đảm bảo thống nhất, đầy đủ và luôn được cập nhật theo quyết định công bố.
4.2 Công khai tại trụ sở cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục
Thực hiện thông qua hình thức niêm yết công khai hoặc sử dụng thiết bị điện tử phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật của đơn vị. Việc công khai này phải bám sát nội dung quyết định công bố hoặc dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia.
4.3 Công khai trên cổng thông tin điện tử các cấp
Thông tin thủ tục hành chính được đăng tải trên:
Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ
Cổng thông tin UBND cấp tỉnh
Việc công khai này thực hiện trên cơ sở kết nối và tích hợp dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
4.4 Hình thức công khai bổ sung theo điều kiện thực tế
Ngoài các hình thức bắt buộc nêu trên, cơ quan nhà nước có thể công khai bằng các hình thức khác phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tiễn, miễn sao đảm bảo đúng địa chỉ, rõ ràng, dễ tiếp cận và thường xuyên cập nhật.
5. Phân loại thủ tục hành chính phổ biến
Thủ tục hành chính được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận, tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả. Dưới đây là 4 cách phân loại phổ biến:
5.1 Phân loại theo lĩnh vực quản lý của cơ quan nhà nước
Lĩnh vực | Ví dụ thủ tục hành chính |
Hộ tịch | Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử |
Kinh doanh | Đăng ký thành lập doanh nghiệp, giải thể, thay đổi GPKD |
Y tế | Cấp chứng chỉ hành nghề, chứng nhận an toàn thực phẩm |
Giáo dục | Cấp bằng tốt nghiệp, xác nhận văn bằng, chuyển trường |
Lao động | Cấp phép lao động, đăng ký thất nghiệp, hưởng BHXH |
Nông nghiệp | Cấp phép phân bón, kiểm dịch động – thực vật |
Đầu tư – Xây dựng | Cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng |
Đất đai – Môi trường | Chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép môi trường |
5.2 Phân loại theo cấp giải quyết
Cấp giải quyết | Ví dụ thủ tục hành chính |
Cấp xã | Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng thực chữ ký, bản sao |
Cấp huyện | Cấp phép xây dựng nhà ở, giải quyết tranh chấp đất đai, đăng ký kinh doanh cá thể |
Cấp tỉnh | Cấp giấy phép đầu tư lớn, thay đổi ngành nghề, cấp giấy phép môi trường |
Cấp trung ương | Xử lý hồ sơ đầu tư FDI, quốc tịch, phê duyệt dự án trọng điểm quốc gia |
5.3 Phân loại theo quan hệ công tác
Thủ tục hành chính nội bộ: Áp dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước như bổ nhiệm, điều động, khen thưởng cán bộ.
Thủ tục hành chính liên hệ: Giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức như cấp giấy phép, xử phạt vi phạm.
Thủ tục hành chính văn thư: Quản lý, xử lý văn bản hành chính, công văn, quyết định…
5.4 Phân loại theo mục đích, tính chất công việc
Loại thủ tục | Ví dụ |
Thủ tục đăng ký | Đăng ký doanh nghiệp, đăng ký khai sinh, đăng ký phương tiện |
Thủ tục cấp phép | Cấp giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, giấy phép y tế |
Thủ tục xử phạt | Xử phạt vi phạm hành chính, giao thông, xây dựng, môi trường |
Thủ tục điều chỉnh thông tin | Đổi CCCD, đổi GPLX, điều chỉnh nội dung trên GPKD |
6. Các bước thực hiện thủ tục hành chính
Để đảm bảo thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy định, đầy đủ và đúng thời hạn, cá nhân và tổ chức cần tuân theo quy trình gồm 3 bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu
Xác định thủ tục cần thực hiện và tra cứu thành phần hồ sơ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, biểu mẫu, tờ khai theo đúng quy định:
Kiểm tra kỹ lưỡng để tránh sai sót hoặc thiếu hồ sơ, gây kéo dài thời gian xử lý.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Có 3 hình thức nộp phổ biến:
Trực tiếp: Tại Bộ phận một cửa của UBND hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
Trực tuyến: Qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ/tỉnh.
Qua bưu chính công ích: Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu điện đến đúng địa chỉ tiếp nhận được quy định trong thủ tục.
Lưu ý: Người nộp cần lấy biên nhận hoặc mã tra cứu hồ sơ để theo dõi tiến độ xử lý.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết thủ tục
Căn cứ theo giấy hẹn hoặc thông báo điện tử, người nộp hồ sơ đến nhận kết quả hoặc nhận qua bưu điện/online.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan sẽ có văn bản hoặc thông báo yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa.
Một số thủ tục cho phép phản hồi hoặc bổ sung trực tuyến để tiết kiệm thời gian.
7. Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục hành chính
7.1 Nắm rõ quy định từng lĩnh vực và cập nhật văn bản pháp luật mới
Người dân và doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các quy định mới để thực hiện thủ tục hành chính đúng luật, tránh sai sót. Một số văn bản pháp lý đáng chú ý trong năm 2024–2025 gồm:
Luật Căn cước 2023 (số 26/2023/QH15) có hiệu lực từ 01/7/2024, quy định cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi, bỏ thông tin vân tay và quê quán trên thẻ.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024, riêng một số điều thi hành từ 01/01/2025, liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và giao đất.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2025, quy định trừ điểm giấy phép lái xe và tăng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm giao thông.
7.2 Cập nhật biểu mẫu mới nhất theo quy định
Biểu mẫu hành chính được cập nhật thường xuyên theo luật mới. Cá nhân, tổ chức nên sử dụng biểu mẫu tại các nguồn chính thống như:
Website của bộ, sở, UBND tỉnh/thành phố
Bộ phận Một cửa tại cơ quan hành chính có thẩm quyền
Việc sử dụng biểu mẫu cũ hoặc sai phiên bản có thể dẫn đến việc hồ sơ bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, gây kéo dài thời gian xử lý.
7.3 Ưu tiên thực hiện thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến đang là xu hướng tất yếu trong cải cách hành chính, với nhiều lợi ích thiết thực:
Tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí giao dịch
Cho phép tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ 24/7
Hạn chế hồ sơ giấy, giảm sai sót và tăng minh bạch
Có thể thực hiện tại mọi nơi, mọi thời điểm
Nên đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia để dễ dàng quản lý và theo dõi toàn bộ thủ tục đã thực hiện.
7.4 Chủ động tiếp cận kênh hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn
Tổng đài hỗ trợ: 1800 1096 (miễn phí cước)
Hướng dẫn chi tiết: Có sẵn tại các cổng thông tin điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính
Hỗ trợ tại chỗ: Bộ phận Một cửa tại địa phương thường có cán bộ hướng dẫn trực tiếp
7.5 Lưu ý thời hạn giải quyết và trách nhiệm phản hồi
Lưu ý thời hạn giải quyết và trách nhiệm phản hồi
Mỗi thủ tục đều có thời hạn giải quyết cụ thể, được ghi rõ trong giấy hẹn hoặc thông báo điện tử.
Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, cá nhân/tổ chức phải phản hồi đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị hủy hoặc xử lý lại từ đầu.
Kết luận
Thông qua nội dung trên, bạn đã hiểu rõ thủ tục hành chính là gì, bao gồm khái niệm pháp lý, đặc điểm bắt buộc, quy trình thực hiện cũng như các hình thức công khai theo quy định hiện hành. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách hành chính mạnh mẽ, việc nắm vững kiến thức về thủ tục hành chính là điều kiện tiên quyết giúp cá nhân, doanh nghiệp tương tác hiệu quả với cơ quan nhà nước. Để tránh sai sót và rút ngắn thời gian xử lý, hãy liên hệ Thành lập công tý giá rẻ ngay để được tư vấn miễn phí nhé.