Tên viết tắt công ty là gì? Viết tắt bằng tiếng nước ngoài không?

Khám phá đầy đủ quy định về tên viết tắt doanh nghiệp: định nghĩa, cách đặt, được dùng tiếng nước ngoài không, ví dụ minh họa, các trường hợp gây nhầm lẫn và điều cấm theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Tên viết tắt công ty là gì? Viết tắt bằng tiếng nước ngoài không?

NỘI DUNG

Giới thiệu

Khi thành lập doanh nghiệp, bên cạnh việc đặt tên đầy đủ, nhiều công ty còn lựa chọn thêm tên viết tắt để sử dụng trong các hoạt động giao dịch, truyền thông hoặc nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ quy định pháp luật liên quan đến tên viết tắt, đặc biệt là việc sử dụng tên viết tắt bằng tiếng nước ngoài.
Trong bài viết này, StartX sẽ giúp bạn hiểu rõ tên viết tắt công ty là gì, khi nào được phép dùng tiếng nước ngoài, các quy định cần tuân thủ và những rủi ro cần tránh khi lựa chọn tên viết tắt cho doanh nghiệp.

1. Quy định pháp luật về tên doanh nghiệp

Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ: Công ty TNHH ABC, trong đó Công ty TNHH là loại hình và ABC là tên riêng.
Tên doanh nghiệp yêu cầu hai thành tố - Tên viết tắt
Tên doanh nghiệp phải viết bằng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, nhưng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, tên cũng không được sử dụng từ ngữ vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Điều 37. Tên doanh nghiệp
  1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
  1. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
  2. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  3. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
  4. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.

2. Tên viết tắt của công ty là gì?

Theo điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020, tên viết tắt của công ty là tên được rút gọn từ tên đầy đủ của doanh nghiệp bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, thường dùng trong giao dịch, ký kết văn bản hoặc truyền thông thương hiệu.
Ví dụ: Công ty TNHH StartX hoặc đơn giản là StartX (trong văn bản tiếng Việt)
Điều 39. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
  1. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
  • Việc sử dụng tên viết tắt giúp thuận tiện trong giao tiếp, nhất là khi tên doanh nghiệp dài hoặc cần sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội, thiết kế logo, bao bì sản phẩm,...
  • Tuy nhiên, tên viết tắt không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký, kể cả khi ngành nghề kinh doanh khác nhau. Ngoài ra, tên viết tắt cũng không được chứa từ ngữ bị cấm như từ ngữ vi phạm đạo đức, pháp luật, hay dễ gây hiểu nhầm về bản chất doanh nghiệp.
  • Vì vậy, khi đặt tên viết tắt, doanh nghiệp nên:
    • Đảm bảo tính nhất quán với tên đầy đủ.
    • Tránh các từ ngữ nhạy cảm hoặc mang tính tuyệt đối như “số 1”, “duy nhất”, “tốt nhất”.
    • Kiểm tra trùng tên công ty với các doanh nghiệp đang hoạt động, nhất là khi triển khai thương hiệu trên các nền tảng online.

3. Các quy định liên quan đến tên tiếng nước ngoài của doanh nghiệp

Điều 39. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
  1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
  2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Doanh nghiệp có thể đăng ký thêm tên tiếng nước ngoài. Tên này là bản dịch từ tên tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng, và phải đảm bảo nghĩa tương đương với tên tiếng Việt.
Khi sử dụng, tên tiếng nước ngoài phải được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt
Tên tiếng nước ngoài không được sử dụng các từ ngữ nhạy cảm, vi phạm pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ trước khi đăng ký để tránh phải thay đổi tên sau này, gây ảnh hưởng đến thủ tục và thương hiệu.
Ví dụ:
  • Tên giữ nguyên tên riêng
    • Tên tiếng Việt: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ StartX
    • Tên tiếng nước ngoài: StartX Trading and Services Company Limited
  • Tên có dịch nghĩa tên riêng
    • Tên tiếng Việt: Công ty TNHH Phát triển Thịnh Vượng
    • Tên tiếng nước ngoài: Prosperity Development Company Limited
  • Tên viết tắt kết hợp với tiếng nước ngoài
    • Tên tiếng Việt: Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Toàn Cầu
    • Tên tiếng nước ngoài: Global Tech Solutions Joint Stock Company
    • Tên viết tắt: GlobalTech JSC

4. Các trường hợp được xem là nhầm lẫn với tên công ty khác

Theo Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên nhầm lẫn như sau:
Điều 41. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
  1. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ:
  • Tên đọc giống nhau: Công ty TNHH Tín Phát và Công ty TNHH Tin Phát đều đọc là Tin Phát
  • Trùng tên viết tắt: Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Nam Thành và Công ty TNHH Nông nghiệp Thịnh An cùng viết tắt là NT Co.
  • Công ty TNHH Hòa Phát đăng ký tên tiếng Anh là Hoa Phat Co., Ltd. Doanh nghiệp khác muốn đăng ký cùng tên tiếng Anh sẽ bị từ chối.
  • Tên riêng chỉ khác một số, chữ cái hoặc số thứ tự: Công ty TNHH ABC và Công ty TNHH ABC1 hoặc Công ty TNHH ABCA
  • Khác nhau ký hiệu: Công ty TNHH Minh Long và Công ty TNHH Minh & Long, Minh-Long, Minh_Long
  • Thêm từ tân hoặc mới: Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty TNHH Tân Hòa Bình, Hòa Bình Mới
  • Thêm từ chỉ khu vực địa lý: Công ty TNHH Vina Food và Công ty TNHH Vina Food Miền Tây
  • Trùng tên riêng hoàn toàn: Công ty TNHH Star Group và Công ty Cổ phần Star Group
Để tránh rủi ro pháp lý, doanh nghiệp nên tra cứu kỹ trên hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ.

5. Những điều cấm khi đặt tên công ty

Theo Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về những điều cấm khi đặt tên công ty như sau:
Điều 38. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
  1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
  2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Khi đăng ký tên doanh nghiệp, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau:
  • Đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác.
  • Sử dụng từ ngữ vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
  • Dùng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị… khi chưa được phép.
  • Gây hiểu nhầm về loại hình hoặc lĩnh vực kinh doanh.
  • Sử dụng từ ngữ quảng cáo quá mức gây hiểu nhầm như "tốt nhất", "số 1", "duy nhất"…
Những điều cấm kỵ khi đặt tên công ty - Tên viết tắt
Việc sử dụng tên viết tắt là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp tối ưu giao tiếp, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và phát triển thương hiệu trên nhiều nền tảng. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh bị từ chối khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định liên quan đến tên viết tắt cũng như cách sử dụng tên tiếng nước ngoài một cách hợp lý.
Nếu bạn cần tư vấn đặt tên, kiểm tra trùng lặp, hoặc tra cứu ngành nghề phù hợp, hãy liên hệ Thành lập công ty giá rẻ ngay để được hỗ trợ nhé!
Tác giả: Tuyết Nhung

Viết bình luận

Tối đa: 1500 ký tự

Bình luận (0)