Giới thiệu
Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần là yếu tố quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp vận hành minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật. Công ty cổ phần cũng là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt phù hợp với các công ty có định hướng mở rộng quy mô và huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để thành lập và vận hành công ty cổ phần đúng pháp luật, mỗi cá nhân hoặc tổ chức cần nắm rõ các quy định liên quan đến điều kiện thành lập, mô hình tổ chức, quyền hạn của các bộ phận trong cơ cấu và các quy tắc quản trị quan trọng.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ cơ cấu tổ chức công ty cổ phần, từ khái niệm pháp lý, đặc điểm nổi bật, các điều kiện thành lập, đến hai mô hình tổ chức hợp pháp và những nguyên tắc doanh nghiệp cần tuân thủ.
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo
Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ chia thành nhiều cổ phần bằng nhau, có ít nhất 3 cổ đông trở lên, cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp, được quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và có tư cách pháp nhân từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:
Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
2. Những đặc điểm nổi bật:
Những đặc điểm nổi bật của công ty cổ phần - cơ cấu tổ chức công ty cổ phần
Vốn điều lệ chia thành cổ phần
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
- Người sở hữu cổ phần là cổ đông – đồng thời là chủ sở hữu công ty.
Tối thiểu 3 cổ đông, không giới hạn tối đa
- Công ty cổ phần bắt buộc có ít nhất 3 cổ đông.
- Không giới hạn số lượng cổ đông tối đa. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Trách nhiệm hữu hạn
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Đây là yếu tố giúp giảm thiểu rủi ro cá nhân cho nhà đầu tư.
Tự do chuyển nhượng cổ phần
- Cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ khi bị giới hạn bởi điều lệ công ty hoặc luật định.
- Tính thanh khoản cao giúp công ty thu hút nhà đầu tư dễ dàng hơn.
Có tư cách pháp nhân
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập với cổ đông kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Có thể tự đứng tên giao dịch, sở hữu tài sản, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Được quyền phát hành chứng khoán
- Là loại hình duy nhất tại Việt Nam được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng.
- Phù hợp với các doanh nghiệp có định hướng mở rộng quy mô, niêm yết sàn chứng khoán.
3. Điều kiện thành lập công ty cổ phần:
- Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, bạn cần đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:
3.1. Điều kiện về tên công ty
Doanh nghiệp phải
không trùng tên hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trên toàn quốc.
- Tên doanh nghiệp bao gồm loại hình doanh nghiệp (TNHH, cổ phần...) và tên riêng.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
- Tên phải được kiểm tra trước trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
3.2. Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định
- Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, trừ những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định như: ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…
- Không cần chứng minh vốn điều lệ, trừ một số trường hợp đặc biệt có yêu cầu theo pháp luật chuyên ngành.
3.3. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp
- Cổ đông sáng lập là những người đầu tiên góp vốn và ký tên vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm thành lập công ty.
- Trong suốt quá trình hoạt động, công ty cổ phần luôn phải duy trì tối thiểu 03 cổ đông. Nếu vì lý do nào đó số lượng cổ đông giảm xuống dưới 3, công ty buộc phải bổ sung cổ đông hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp.
3.4. Điều kiện về địa chỉ trụ sở doanh nghiệp
- Phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng (số nhà, đường/phố, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành).
- Không được đặt tại căn hộ chung cư dùng để ở theo Khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023.
- Địa chỉ này sẽ là nơi nhận thông báo, thư từ, giao dịch chính của doanh nghiệp và phải được ghi trong hồ sơ đăng ký.
3.5. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Theo
Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với các
ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện trước và/hoặc sau khi thành lập. Ví dụ:
4. Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
Điều 137. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
2. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
4.1. Mô hình 1: Có Ban kiểm soát
Cơ cấu gồm:
- Đại hội đồng cổ đông
- Hội đồng quản trị
- Ban kiểm soát
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
Lưu ý: Trong trường hợp công ty có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần, thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
4.2. Mô hình 2: Không có Ban kiểm soát – có Ủy ban kiểm toán
Cơ cấu gồm:
- Đại hội đồng cổ đông
- Hội đồng quản trị
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
Yêu cầu bắt buộc:
- Ít nhất 20% thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập
- Có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị
- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban kiểm toán được quy định tại Điều lệ công ty hoặc do Hội đồng quản trị ban hành quy chế hoạt động.
4.3. Người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần
- Nếu chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật, công ty có thể chọn Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc làm người đại diện.
- Nếu Điều lệ công ty không quy định rõ, thì mặc định Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là người đại diện theo pháp luật.
- Nếu công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc sẽ đều là người đại diện theo pháp luật của công ty.
5. Vai trò và quyền hạn của từng bộ phận trong cơ cấu tổ chức công ty cổ phần
Vai trò và quyền hạn của từng bộ phận trong cơ cấu tổ chức công ty cổ phần
Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức chuyên biệt, mỗi vị trí đều có vai trò và quyền hạn cụ thể được quy định trong
Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020. Dưới đây là tổng hợp các chức danh chính:
5.1. Đại hội đồng cổ đông – Cơ quan quyền lực cao nhất
- Gồm: Tất cả cổ đông có quyền biểu quyết.
- Vai trò: Là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty.
Quyền và nghĩa vụ chính:
- Thông qua định hướng phát triển công ty.
- Quyết định cổ phần, cổ tức, đầu tư lớn, mua lại cổ phần từ 10% trở lên.
- Bầu, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên.
- Phê duyệt báo cáo tài chính, sửa đổi Điều lệ, quyết định giải thể, tổ chức lại công ty...
- Phê duyệt ngân sách, lựa chọn công ty kiểm toán độc lập.
5.2. Hội đồng quản trị – Cơ quan quản lý và quyết định chiến lược
- Gồm: Từ 3 thành viên trở lên, do Đại hội đồng cổ đông bầu.
- Vai trò: Đại diện cho cổ đông quản lý công ty, quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, tài chính.
Quyền và nghĩa vụ chính:
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc.
- Triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.
- Phê duyệt các hợp đồng, dự án không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
- Giám sát hoạt động điều hành và tài chính công ty.
- Ban hành quy chế nội bộ và quy trình quản lý.
5.3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc – Người điều hành trực tiếp
- Vai trò: Là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, thực hiện các quyết định của HĐQT.
- Do: Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng thuê.
Quyền và nghĩa vụ chính:
- Quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức bộ máy công ty.
- Ký kết hợp đồng, giao dịch trong phạm vi thẩm quyền.
- Tuyển dụng, quản lý nhân sự, tổ chức sản xuất – kinh doanh.
- Báo cáo định kỳ với HĐQT về tình hình tài chính, sản xuất.
5.4. Ban kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán – Cơ quan giám sát độc lập
- Ban kiểm soát: Có trong mô hình 1, gồm từ 1 đến 5 kiểm soát viên, do Đại hội đồng cổ đông bầu.
- Ủy ban kiểm toán: Có trong mô hình 2, trực thuộc Hội đồng quản trị.
Vai trò:
- Giám sát việc quản lý, điều hành của HĐQT và Giám đốc/Tổng giám đốc.
- Kiểm tra, đánh giá tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, sổ sách công ty.
- Đề xuất biện pháp khắc phục nếu phát hiện sai phạm.
6. Một số quy tắc hoạt động quan trọng
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức phức tạp hơn các loại hình khác. Vì vậy, để hoạt động hiệu quả và đúng pháp luật, doanh nghiệp cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
6.1. Duy trì tối thiểu 03 cổ đông
Theo quy định tại
Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông trong suốt quá trình hoạt động. Nếu số lượng cổ đông giảm xuống dưới 3 và không được bổ sung trong thời hạn 6 tháng liên tục, công ty buộc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
...
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
6.2. Họp Đại hội đồng cổ đông định kỳ hằng năm
Theo
Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ít nhất 1 lần/năm. Thời gian tổ chức trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp cần gia hạn, không được quá 6 tháng và phải có lý do chính đáng. Thư mời và tài liệu họp phải được gửi trước tối thiểu 10 ngày.
Điều 139. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
1. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường. Địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp và phải ở trên lãnh thổ Việt Nam
2. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
6.3. Quyền biểu quyết theo tỷ lệ cổ phần
Cổ đông tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Một số quyết định quan trọng như sửa đổi Điều lệ, tổ chức lại, giải thể công ty, đầu tư lớn… thường yêu cầu tỷ lệ tán thành tối thiểu 65% hoặc theo quy định riêng trong Điều lệ công ty.
6.4. Chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định
Cổ phần phổ thông được tự do chuyển nhượng, trừ khi Điều lệ có quy định hạn chế. Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập sau 3 năm kể từ ngày thành lập, trừ khi được sự đồng ý của đa số cổ đông sáng lập còn lại.
6.5. Công bố thông tin đầy đủ và đúng hạn
Công ty cổ phần phải thực hiện công bố thông tin định kỳ và theo yêu cầu pháp luật. Các thông tin quan trọng bao gồm: báo cáo tài chính, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, phát hành cổ phần mới, chia cổ tức, và các hoạt động khác có ảnh hưởng lớn đến cổ đông.
6.6. Đảm bảo tính pháp lý của người đại diện
Người đại diện theo pháp luật phải được đăng ký chính thức tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp có nhiều người đại diện, cần quy định rõ phạm vi quyền hạn và trách nhiệm. Các giao dịch, ký kết hợp đồng phải đúng người đại diện và thẩm quyền để đảm bảo tính pháp lý cho doanh nghiệp.
Kết luận
Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần không chỉ phản ánh cách doanh nghiệp phân chia quyền lực và trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả và đúng luật. Việc lựa chọn đúng mô hình tổ chức, xác định rõ vai trò của từng bộ phận và tuân thủ quy định pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và hạn chế rủi ro.
Nếu bạn đang cần tư vấn cụ thể về cơ cấu tổ chức công ty cổ phần hoặc hỗ trợ thủ tục thành lập công ty cổ phần nhanh – đúng pháp luật – tối ưu chi phí, đừng ngần ngại liên hệ với Thành lập công ty giá rẻ – đối tác pháp lý và công nghệ cho doanh nghiệp hiện đại.