Giới thiệu
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là khoản thuế quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần thực hiện khi phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là công ty mới thành lập, còn lúng túng trong việc xác định thu nhập tính thuế TNDN, cách áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi có liên quan. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết từ khái niệm, công thức đến cách tính thuế TNDN rõ ràng, dễ hiểu – giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
1. Khái niệm về thuế thu nhập doanh nghiệp
1.1 Thuế TNDN là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ trong kỳ tính thuế. Đây là loại thuế trực thu, được áp dụng đối với các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh thu nhập tại Việt Nam.
1.2 Đối tượng nộp thuế TNDN là ai?
Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán... như: công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hợp danh, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, các tổ chức trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh...
Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập có phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ tạo thu nhập chịu thuế.
Tổ chức hợp tác xã và các tổ chức khác có hoạt động kinh doanh sinh lợi.
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm chi nhánh, nhà máy, địa điểm khai thác tài nguyên, văn phòng đại diện, đại lý, cơ sở cung cấp dịch vụ hoặc người đại diện có quyền ký kết hợp đồng tại Việt Nam.
Tổ chức nước ngoài không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhưng có thu nhập tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản cũng thuộc diện phải nộp thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Như vậy, đối tượng nộp thuế TNDN rất đa dạng, không chỉ bao gồm doanh nghiệp trong nước mà còn cả các tổ chức nước ngoài có hoạt động sinh lợi tại Việt Nam, đảm bảo phạm vi điều chỉnh toàn diện của luật thuế.
1.3 Các kỳ tính thuế TNDN
Các kỳ tính thuế TNDN
Việc xác định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là căn cứ để doanh nghiệp chủ động kê khai, tạm nộp và quyết toán đúng thời hạn theo quy định. Theo pháp luật hiện hành, kỳ tính thuế TNDN được chia thành:
1.3.1 Kỳ tính thuế năm (quyết toán năm)
Là kỳ tính thuế chính thức được áp dụng phổ biến đối với tất cả doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải quyết toán thuế TNDN một lần duy nhất vào cuối năm tài chính (thường trùng năm dương lịch, từ 01/01 đến 31/12).
Trường hợp doanh nghiệp có năm tài chính khác với năm dương lịch, thời điểm kết thúc năm tài chính sẽ là thời điểm kết thúc kỳ tính thuế.
1.3.2 Kỳ tính thuế theo quý (tạm nộp thuế)
Doanh nghiệp phải tạm nộp thuế TNDN hàng quý, căn cứ vào kết quả kinh doanh quý đó.
Thời hạn nộp tạm thuế là chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý tiếp theo.
Ví dụ: thuế TNDN quý I năm 2025 phải nộp chậm nhất ngày 30/4/2025.
Lưu ý: Doanh nghiệp cần cân đối kỹ vì mức tạm nộp cả 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế phải nộp theo quyết toán năm, nếu không sẽ bị phạt theo quy định.
1.3.3 Kỳ tính thuế theo lần phát sinh (áp dụng riêng)
Áp dụng cho các khoản thu nhập không thường xuyên như:
Doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế ngay khi phát sinh thu nhập, theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
2. Hướng dẫn cách tính thuế TNDN
2.1 Công thức chung tính thuế TNDN
Điều 6. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế và thuế suất.
Điều 3. Phương pháp tính thuế
1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có))* Thuế suất thuế TNDN
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp ở ngoài Việt Nam thì doanh nghiệp được trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ theo quy định của
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, công thức cơ bản:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất TNDN
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Doanh thu – Chi phí hợp lý – Các khoản lỗ được kết chuyển + Thu nhập khác chịu thuế
Thuế suất TNDN thông thường hiện hành là 20%
Doanh thu: Tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ
Chi phí hợp lý: Các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, phục vụ cho hoạt động kinh doanh
Thu nhập khác chịu thuế: Bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thu lãi, hoàn nhập dự phòng...
Lỗ được kết chuyển: Khoản lỗ của các năm trước được chuyển sang theo quy định
Ví dụ đơn giản:
Doanh thu: 2.000.000.000 VNĐ
Chi phí hợp lý: 1.500.000.000 VNĐ
Thu nhập khác: 50.000.000 VNĐ
Lỗ được kết chuyển: 100.000.000 VNĐ
Thu nhập tính thuế = 2 tỷ – 1.5 tỷ – 100 triệu + 50 triệu = 450 triệu
Thuế TNDN phải nộp = 450 triệu × 20% = 90 triệu đồng
2.2 Bảng thuế suất TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu
Theo quy định tại
Khoản 5 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC, dưới đây là bảng tổng hợp và phần phân tích thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu dành cho đơn vị sự nghiệp và tổ chức không xác định được chi phí, thu nhập, theo quy định pháp luật hiện hành:
Loại hoạt động kinh doanh | Tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu | Ghi chú |
Kinh doanh dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay) | 5% | Áp dụng phổ biến với dịch vụ không có hóa đơn chi phí đầy đủ |
Giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật | 2% | Ưu đãi thấp hơn do mang tính phục vụ xã hội |
Kinh doanh hàng hóa | 1% | Chủ yếu áp dụng cho hoạt động bán buôn, bán lẻ |
Hoạt động khác (không thuộc các nhóm trên) | 2% | Ví dụ: cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ hỗn hợp |
Bảng thuế suất TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu - cách tính thuế TNDN
2.2 Các bước chi tiết để tính thuế TNDN
Để tính được chính xác thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong năm, doanh nghiệp cần áp dụng công thức chuẩn kết hợp với việc kiểm tra các yếu tố đặc biệt được giảm trừ. Dưới đây là hướng dẫn từng bước:
Ví dụ: Công ty TNHH ABC có kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh trong năm 2024 như sau:
Khoản mục | Số tiền | Ghi chú |
Tổng doanh thu | 5.000.000.000 VNĐ | Là toàn bộ doanh thu từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, chưa trừ bất kỳ chi phí nào. |
Chi phí hợp lý được trừ | 3.800.000.000 VNĐ | Gồm chi phí nguyên vật liệu, tiền lương, chi phí thuê mặt bằng, quảng cáo, khấu hao tài sản cố định,… có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ. |
Thu nhập khác | 200.000.000 VNĐ | Bao gồm các khoản thu không thường xuyên như: thu nhập từ thanh lý tài sản cố định, lãi gửi ngân hàng, chênh lệch tỷ giá,… |
Thu nhập được miễn thuế | 100.000.000 VNĐ | Ví dụ: thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nông thôn – được miễn thuế theo quy định pháp luật. |
Lỗ được kết chuyển | 150.000.000 VNĐ | Là số lỗ từ năm tài chính trước được kết chuyển sang để trừ vào thu nhập tính thuế năm nay (quy định được kết chuyển tối đa 5 năm). |
Trích lập quỹ KHCN | Không trích | Doanh nghiệp không đăng ký trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nên không được trừ khoản này trước khi tính thuế. |
Thuế suất TNDN | 20% | Mức thuế suất chuẩn áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ trường hợp được ưu đãi thuế. |
Các bước tính thuế TNDN dựa theo ví dụ trên:
Bước 1: Áp dụng công thức chung
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập chịu thuế – Thu nhập miễn thuế – Lỗ được kết chuyển) × Thuế suất
Bước 2: Xác định và kiểm tra các khoản giảm trừ đặc biệt
Thu nhập miễn thuế: 100 triệu đồng được loại khỏi thu nhập tính thuế.
Lỗ kết chuyển: 150 triệu đồng sẽ được trừ khỏi phần thu nhập tính thuế năm nay.
Không có ưu đãi thuế hay thuế suất đặc biệt áp dụng trong ví dụ này.
Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Thu nhập khác
⇒ 5.000.000.000 – 3.800.000.000 + 200.000.000 = 1.400.000.000 VNĐ
Bước 4: Ráp vào công thức và tính thuế TNDN phải nộp
Thu nhập tính thuế = 1.400.000.000 – 100.000.000 – 150.000.000 = 1.150.000.000 VNĐ
Thuế TNDN phải nộp = 1.150.000.000 × 20% = 230.000.000 VNĐ
Tính thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ là áp dụng công thức, mà còn cần kiểm tra các yếu tố đặc biệt như miễn thuế, lỗ được chuyển tiếp hay các khoản chi phí hợp lệ. Khi thực hiện đầy đủ từng bước trên, doanh nghiệp sẽ đảm bảo tính đúng – tính đủ – không bị phạt vì kê khai sai hoặc thiếu sót.
3. Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định phạt chậm nộp
3.1 Thời hạn nộp thuế
Điều 55. Thời hạn nộp thuế
1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Đối với dầu thô, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo lần xuất bán dầu thô là 35 ngày kể từ ngày xuất bán đối với dầu thô bán nội địa hoặc kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan đối với dầu thô xuất khẩu.
Đối với khí thiên nhiên, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tháng.
2. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
3. Đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài thì thời hạn nộp theo quy định của Chính phủ.
4. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; trường hợp phát sinh số tiền thuế phải nộp sau khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa thì thời hạn nộp thuế phát sinh được thực hiện như sau:
a) Thời hạn nộp thuế khai bổ sung, nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
b) Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Như vậy, thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được chia thành các trường hợp sau:
Trường hợp doanh nghiệp tự khai và tự tính thuế TNDN:
Thời hạn nộp thuế tạm tính theo quý là ngày 30 của tháng đầu tiên quý sau.
Thời hạn nộp thuế quyết toán năm là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán, thường rơi vào chậm nhất là ngày 31/03 năm sau.
Trường hợp khai bổ sung: Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế phát sinh sai sót.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí, tài nguyên thiên nhiên:
Cơ quan thuế tính thuế: Thời hạn được ghi rõ trong thông báo của cơ quan thuế gửi cho doanh nghiệp.
3.2 Quy định chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Quy định chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo
Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, nếu doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trễ so với thời hạn quy định, sẽ phát sinh tiền chậm nộp và có thể bị xử phạt hành chính tùy trường hợp.
3.2.1 Khi nào bị tính tiền chậm nộp thuế TNDN?
Doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau:
Chậm nộp thuế TNDN so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn, hoặc thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
Khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp (do tự khai hoặc bị thanh tra phát hiện).
Hoàn thuế sai quy định, phải thu hồi phần hoàn thuế vượt.
Chậm chuyển tiền thuế về ngân sách nhà nước do tổ chức trung gian (ví dụ: đơn vị ủy nhiệm thu).
Trường hợp bị truy thu thuế, dù đã hết thời hiệu xử phạt hành chính.
3.2.2 Mức tính tiền chậm nộp
Tiền chậm nộp được tính theo công thức:
Tiền chậm nộp = Số tiền thuế chậm nộp × 0,03% × Số ngày chậm nộp
Lưu ý:
Thời gian tính từ ngày liền kề sau ngày hết hạn nộp thuế đến ngày liền trước ngày nộp đủ vào ngân sách.
Ví dụ: nếu chậm 30 ngày, bạn sẽ phải nộp thêm 0,9% trên số thuế nợ.
3.2.3 Miễn tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau:
Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho Nhà nước mà chưa được thanh toán.
Chờ kết quả giám định hải quan hoặc chưa xác định được giá, giá trị điều chỉnh.
Trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,...
Khoản nợ thuế đã được khoanh nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế.
3.2.4 Trách nhiệm tự tính và nộp tiền chậm nộp
Doanh nghiệp phải tự xác định số ngày chậm và tự nộp số tiền tương ứng vào ngân sách.
Nếu có chênh lệch do khai bổ sung làm giảm nghĩa vụ thuế, được điều chỉnh lại tiền chậm nộp tương ứng.
4. Các chính sách hỗ trợ thuế TNDN đối với công ty mới thành lập
Doanh nghiệp mới thành lập, đặc biệt là các startup hoặc công ty nhỏ – vừa, có thể được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn. Dưới đây là các chính sách nổi bật:
4.1 Ưu đãi về thuế suất thuế TNDN
Doanh nghiệp mới thành lập thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư có thể được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong 15 năm hoặc 17% trong 10 năm tùy trường hợp.
Ví dụ: Dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, phần mềm, bảo vệ môi trường... hoặc đặt tại các khu kinh tế, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
4.2 Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Ngoài mức thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp còn được miễn, giảm thuế TNDN trong thời gian đầu:
Miễn thuế TNDN trong 2 – 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Giảm 50% thuế TNDN trong 4 – 9 năm tiếp theo, tùy thuộc vào ngành nghề và địa bàn hoạt động.
Lưu ý: Thời gian ưu đãi tính liên tục từ năm có thu nhập chịu thuế đầu tiên, không vượt quá thời gian đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi.
4.3 Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNDN
Để được áp dụng các chính sách hỗ trợ thuế TNDN, công ty mới thành lập cần:
Đăng ký hoạt động đúng ngành nghề ưu đãi (có trong danh mục ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo
Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc vùng khó khăn theo quy định.
Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đúng thời hạn.
Không thuộc đối tượng bị thu hồi ưu đãi như vi phạm pháp luật, gian lận thuế.
4.4 Hỗ trợ khai báo và theo dõi chính sách ưu đãi
Để tận dụng chính sách hỗ trợ đúng quy định và tránh rủi ro trong cách tính thuế TNDN, doanh nghiệp nên:
Liên hệ đơn vị tư vấn pháp lý – kế toán để rà soát điều kiện được hưởng ưu đãi.
Lập hồ sơ đăng ký ưu đãi thuế TNDN ngay từ khi thành lập.
Theo dõi thời hạn miễn – giảm thuế để kê khai chính xác trong từng kỳ tính thuế.
Kết luận
Hiểu rõ cách tính thuế TNDN là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí và tránh rủi ro pháp lý. Việc nắm vững công thức tính, thời hạn nộp, cũng như các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là bước quan trọng trong quá trình quản trị tài chính doanh nghiệp, đặc biệt đối với công ty mới thành lập. Nếu bạn cần hỗ trợ kê khai hoặc tư vấn thuế doanh nghiệp, hãy liên hệ đội ngũ chuyên gia tại Thành lập công ty giá rẻ để được hỗ trợ trọn gói và minh bạch.